Cảng biển TP.HCM là một trong 3 cảng biển lớn nhất cả nước, cùng với hai cảng đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điều chỉnh quan trọng là cảng biển TP.HCM được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Cảng biển TP.HCM thuộc nhóm cảng biển số 4. Theo quy hoạch, đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 4 đạt từ 500 – 564 triệu tấn; sản lượng hành khách thông qua đạt từ 2,8 – 3,1 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 – 3,8 %/năm và hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 – 1,0 %/năm.
Đồng thời, hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (bao gồm khu bến Cái Mép và Cần Giờ). Cùng đó, hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.
Theo công bố mới nhất của hãng tư vấn Alphaliner, cảng biển TP.HCM lọt top 30 cảng container lớn nhất thế giới năm 2023, xét theo sản lượng thông qua. Theo đó, cảng giữ vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng, với sản lượng đạt gần 8,4 triệu Teu.
Trong khu vực Đông Nam Á, cảng biển TP.HCM đứng thứ 5, sau Singapore, Port Kelang và Tanjung Pelepas (đều ở Malaysia) và Laem Chabang (Thái Lan).
Trước đó, theo đánh giá của Tạp chí hàng hải Lloyd’s List, cảng biển TP.HCM là cảng giữ vững vị thế trong bối cảnh kinh tế cả nước tăng trưởng còn chậm sau đại dịch Covid-19.
Việt Nam có thể phát triển trong chuỗi cung ứng chiến lược với cảng biển này. Tương lai của cảng biển TP.HCM có thể mở rộng hơn nữa và khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng.
Cụ thể, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần cảng biển TP.HCM với trị giá đầu tư dự kiến 6 tỷ USD, nếu được phê duyệt, có thể là cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tác dụng giao thương đáng kể với các nước trong khu vực.
Gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cảng biển TP.HCM nằm trong nhóm cảng biển số 4 – nhóm cảng biển phát triển nhất cả nước. Cùng với khu vực Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng container khu vực TP.HCM trở thành một trong những khu vực cảng quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Đây cũng là một trong những cảng biển đầu tiên trên cả nước được đón nhiều tàu lớn. Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, tới nay, cảng biển khu vực đã tiếp nhận khoảng 8.044 lượt tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế ra vào cảng biển.
Nhờ đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cũng không ngừng tăng trưởng, đáp ứng và hỗ trợ tích cực xuất nhập khẩu hàng hóa tại TP.HCM cũng như khu vực Đông Nam Bộ.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM đạt hơn 167,2 triệu tấn với tổng số lượt tàu thông qua đạt hơn 21.000 lượt. Sản lượng hành khách thông qua cảng đạt khoảng 34.000 lượt.
Khu vực cảng biển TP.HCM cũng được các chuyên gia đánh giá có nhiều cảng được đầu tư với quy mô đồng bộ, hiện đại, trang thiết bị xếp dỡ năng suất cao với thời gian giải phóng tàu nhanh.
Trong đó, bến cảng Tân Cảng Cát Lái là khu cảng tập trung khối lượng container thông qua lớn nhất cả nước, tiếp nhận tàu trọng tải từ 20.000 – 30.000 tấn hoặc lớn hơn (giảm tải), chủ yếu vận tải các tuyến châu Á.
Nguồn: www.baogiaothong.vn