TỔNG CÔNG TY ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG HẢI MIỀN NAM (VMS-South)
Khẳng định tầm quan trọng và vị trí then chốt trong phát triển kinh tế biển
Để thực hiện thành công các mục tiêu trong chiến lược biển Việt Nam, đồng thời phục vụ đắc lực cho kinh tế biển, ngành đảo đảm an toàn hàng hải ngày càng khẳng định tầm quan trọng và vị trí then chốt trong việc thiết lập và duy trì môi trường an toàn hàng hải, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, kinh tế biển và mục tiêu nhân đạo, kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, phối hợp bảo vệ môi trường biển, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
P/V Báo Kinh tế Việt Nam có cuộc trao đổi với Ông Phạm Đình Vận Chủ tịch HĐTV- Tổng Giám đốc- Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam nhân dịp đầu xuân mới 2012.
P/V: Ông có thể nói rõ hơn về sự ra đời cũng như tầm quan trọng của VMS-South trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải?
VMS-South ra đời trên cơ sở bộ máy quản lý của Bảo đảm an toàn hàng hải khu vực IV, các đơn vị trực thuộc Bảo đảm an toàn hàng hải Việt nam đóng trên địa bàn từ vùng biển phía Nam cây đèn Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, đến Kiên Giang, cùng bộ phận còn lại của Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng chuyển đổi mô hình hành chính- sự nghiệp, sang mô hình kinh tế – sự nghiệp, rồi tiếp tục chuyển sang mô hình Công ty TNHH một thành viên vào năm 2010. Tháng 5/2011, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1099/QĐ- BGTVT, chính thức thành lập Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South). Từng bước lớn mạnh, từng bước mở rộng, đa dạng hóa các loại hình hoạt động, đến nay, VMS-South được Nhà nước giao trọng trách: quản lý vận hành 17 tuyến luồng tàu biển, với tổng chiều dài gần 600 km, cùng hệ thống báo hiệu luồng, với 52 đèn biển, trong đó có 12 trạm đèn trên khu vực biển Đông, và Trường Sa; nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải; tổ chức khảo sát ra thông báo hàng hải; xây dựng các công trình hàng hải; đóng mới và sửa chữa các phương tiện thủy; dẫn dắt tàu biển ra vào các cảng, khu neo đậu; tham gia tìm kiếm cứu nạn, trục vớt cứu hộ trên biển; phối hợp với các ngành chức năng bảo vệ môi trường biển và an ninh quốc phòng.
P/V: Với chức năng hoạt động là đa ngành nghề, vậy đâu là thế mạnh của VMS-South, thưa ông?
Một trong nhiều thế mạnh của VMS-South là thiết kế, khảo sát, đo đạc, xây dựng các công trình hàng hải, luồng hàng hải, hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình khác có liên quan như thiết kế nạo vét luồng, thiết kế lập phương án điều tiết bảo đảm an toàn giao thông hàng hải… Trong thời gian qua, đơn vị đã thành công với những phương án điều tiết lưu thông đảm bảo an toàn hàng hải phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia như: cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu và hầm dìm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, nạo vét tuyến luồng Vũng Tàu- Thị Vải, Cái Mép- Thị Vải…
Trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều đề tài, dự án do VMS-South sản xuất đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Đặc biệt, đơn vị đã thực hiện thành công Hải đồ điện tử cho toàn bộ các tuyến luồng do Tổng công ty quản lý. Sản phẩm này cung cấp cho người đi biển bản đồ và các thông tin cần thiết như: xác định vị trí con tàu trong từng thời điểm; cảnh báo những nguy hiểm, chướng ngại vật và cả việc quy hoạch theo dõi lộ trình hành hải.
Trong lĩnh vực cơ khí, với việc đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dùng, VMS-South có nhiều kinh nghiệm, năng lực thực hiện thiết kế, gia công chế tạo, sửa chữa các sản phẩm cơ khí: đóng mới và sửa chữa các phương tiện thủy, gia công chế tạo các báo hiệu hàng hải, gia công chế tạo các sản phẩm cơ khí công nghiệp. Về lĩnh vực xây dựng công trình hàng hải, hầu hết các công trình: trạm quản lý luồng, trạm đèn biển từ trước đến nay đều do đơn vị đảm nhận, tiêu biểu là nhóm công trình trạm đèn biển thuộc khu vực quần đào Trường Sa và DK1. Xác định tầm quan trọng về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, an ninh quốc phòng nơi đây, từ những năm đầu thập niên 90 – thế kỷ XX, đơn vị đã đề xuất với Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan kế hoạch xây dựng các trạm đèn biển khu vực này. Đây chính là những cột mốc xác định chủ quyền của đất nước tại khu vực. Hiện nay, VMS-South đang triển khai xây dựng và thời gian tới sẽ đưa vào sử dụng đèn biển Sinh Tồn và Nam Yết tại quần đảo này.
P/V: Được biết, gần đây một số đơn vị Hoa tiêu và Trục vớt cứu hộ Việt Nam chuyển về làm thành viên của Tổng công ty, xin ông cho biết chiến lược phát triển của VMS-South trong thời gian tới?
Tháng 10/2011 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành quyết định chuyển các Công ty Hoa tiêu và Trục vớt cứu hộ về cùng một đầu mối quản lý của các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải nhằm phát huy tối đa hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong cùng lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải. Mô hình này cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải của các nước tiên tiến hiện nay. Ngoài ra, việc chuyển các Công ty Hoa tiêu hàng hải và Trục vớt cứu hộ giúp cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tăng cường thêm quy mô, năng lực, đặc biệt là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành và phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tể biển, phát triển kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh mới.
Kinh tế biển của nước ta hiện nay được xác định là ngành mũi nhọn, có tính đột phá và giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Mục tiêu phát triển kinh tế biển đến năm 2020 là đóng góp 53-55% tổng GDP của cả nước. Nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo đảm hàng hải vì thế càng lớn. Chính vì vậy, việc sáp nhập các đơn vị Hoa tiêu và Trục vớt cứu hộ về làm thành viên của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam trong thời điểm này hết sức cần thiết và có ý nghĩa nhằm nâng cao hơn nữa khả năng phục vụ, đáp ứng tốt nhất công tác bảo đảm an toàn hàng hải, xây dựng ngành bảo đảm an toàn hàng hải ngày càng lớn mạnh về quy mô và năng lực làm việc, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường biển và an ninh quốc phòng.
Hùng Ngọc