Cục Hàng hải VN vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo đánh giá, tổng kết quá trình triển khai thực hiện tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế chở không đầy hàng (giảm tải) ra, vào các bến cảng.
Quy hoạch bám sát xu thế phát triển tàu biển cỡ lớn
Theo Cục Hàng hải VN, hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển lần đầu vào năm 1999. Giai đoạn năm 2000, quy hoạch chỉ định hướng phát triển cỡ trọng tải tàu đến 30.000 DWT.
Cục Hàng hải VN sau đó đã ban hành văn bản hướng dẫn các cảng vụ hàng hải về việc cấp phép đưa tàu vào, rời cảng biển.
Thời điểm này, số lượng các bến cảng ở Việt Nam chưa nhiều và hầu hết chỉ tiếp nhận được cỡ tàu có trọng tải dưới 40.000 DWT.
Việc đầu tư xây dựng các bến cảng, cầu cảng mới có khả năng đáp ứng tiếp nhận cỡ tàu lớn còn hạn chế do hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, thi công công trình chưa hoàn thiện.
Do đó, Cục Hàng hải cho rằng việc tận dụng khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng bến cảng, luồng tàu đã được xây dựng để tiếp nhận các tàu có cỡ trọng tải lớn là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khai thác cảng.
Tại quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam lần 2 vào năm 2014, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền trung (khi có điều kiện) để tiếp nhận được tàu trọng tải đến 100.000 tấn (tàu container 8.000 Teu).
Như vậy, quy hoạch đã tăng cỡ trọng tải tàu lên nhiều lần (từ 30.000 DWT năm 1999 đến trên 100.000 DWT năm 2014).
Giai đoạn này, đã có nhiều bến cảng, cầu cảng mới được công bố đưa vào khai thác sử dụng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải lớn hơn 40.000 DWT.
Vì thế, việc hướng dẫn áp dụng hệ số vượt tải với cỡ trọng tải tàu 40.000 DWT đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn đã đưa ra bảng quy đổi lượng dãn nước cho cỡ tàu tối đa đến 70.000 DWT. Nhờ đó, các bến cảng, cầu cảng vẫn có thể căn cứ vào bảng quy đổi để được tiếp nhận các tàu biển trọng tải lớn trong điều kiện phù hợp.
Hiện nay, đội tàu trên thế giới đã bắt đầu phát triển mạnh về chất lượng. Cỡ tàu trọng tải lớn được đưa vào sử dụng nhiều hơn nhằm giảm chi phí vận tải, tối ưu hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, hệ thống bến cảng, cầu cảng mới chỉ được quy hoạch đến 100.000 DWT, chưa đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Bộ GTVT đã ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp cảng có thể kiểm định, đánh giá kết cấu bến, cầu cảng để có thể tiếp nhận các tàu biển cỡ trọng tải vượt 10% so với trọng tải tàu thiết kế. Việc ban hành văn bản được đánh giá là phù hợp tại giai đoạn này để có thể đón được các tàu biển trọng tải lớn hơn 100.000 DWT.
Từ năm 2021 tới nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 xác định ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).
Quy hoạch cũng định hướng khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được quy hoạch cho cỡ tàu có trọng tải đến 150.000 DWT, khu bến cảng Cái Mép được quy hoạch cho cỡ tàu có trọng tải đến 250.000 DWT, khu bến cảng Nam Vân Phong được quy hoạch cho cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT.
Như vậy, hệ thống cảng biển Việt Nam từ khi được quy hoạch lần đầu đến nay luôn định hướng nắm bắt xu thế phát triển của đội tàu biển ngày càng lớn. Sau 20 năm, cỡ tàu theo quy hoạch lần này đã gấp 10 lần so với cỡ tàu theo quy hoạch năm 1999 (từ 30.000 DWT năm 1999 đến 300.000 DWT năm 2021).
Cần đánh giá lại các công thức
Cục Hàng hải VN cho biết hiện tại, nhiều cỡ tàu lớn hơn đã được đưa vào khai thác, các kích thước về chiều rộng, chiều dài, mớn nước và trọng tải của từng loại tàu cũng khác nhau tùy thiết kế tàu.
Do vậy, công thức xác định giới hạn vượt tải và giới hạn vận tốc gió được đưa ra trong văn bản năm 2002 (đang sử dụng chung cho tất cả các loại tàu) cần phải được đánh giá lại để phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hữu và phù hợp với từng cỡ tàu nhất định.
“Việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế vào, rời bến cảng, cầu cảng chỉ là giải pháp tạm thời”, lãnh đạo Cục Hàng hải VN nhấn mạnh.
Đối lập với sự xuống cấp của hạ tầng bến cảng, cầu cảng là sự trẻ hóa của đội tàu có kích thước lớn. Việc nâng tải trọng khai thác vượt tải trọng thiết kế tại các cầu cảng có tuổi thọ lớn sẽ không còn phù hợp.
Việt Nam cũng đã có những bến cảng mới được công bố có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn nhất thế giới (đến 200.000 DWT), cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải biển trên thế giới. Do vậy, cần có đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng hệ thống cảng biển Việt Nam và các tiêu chí hướng dẫn phù hợp.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho rằng việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào làm hàng tại các khu vực cảng biển đã góp phần tăng hiệu quả khai thác cho các hãng tàu, giảm chi phí vận tải, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương và khu vực.
Thu hút các hãng tàu đưa tàu có trọng tải và chiều dài lớn vào cảng, làm tăng uy tín cảng biển Việt Nam trên trường quốc tế, tăng lượng hàng hóa thông qua cảng, tăng khả năng xếp dỡ, rút ngắn thời gian giải phóng tàu.
Tuy nhiên, hiện chưa có các quy định, quy trình cụ thể về việc kiểm định nâng cấp cầu, bến cảng.
Từ đây, Cục Hàng hải VN đề xuất xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể việc khai thác tàu có trọng tải lớn ra, vào cảng biển Việt Nam, để có nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chuyên sâu về công tác kiểm định, đánh giá kết cấu hạ tầng cảng biển từng khu vực.
Trên cơ sở đó, thống nhất quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện để các bến cảng, cầu cảng có thể tận dụng kết cấu hạ tầng hiện hữu để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn đảm bảo an toàn và phù hợp quy định pháp luật.
Nguồn: www.baogiaothong.vn