Tại Nghị định 57/2024 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm có nhiều quy định cụ thể.
Không bán đấu giá chất nạo vét tận thu
Nghị định nêu rõ, nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm với kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quản lý phải được lập thành dự án và thực hiện theo quy định.
Đối với việc nạo vét vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa và luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm, chủ đầu tư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Chủ đầu tư phải khảo sát địa chất, lấy mẫu phân tích thành phần, tính chất cơ lý, tính chất hóa học của chất nạo vét theo quy định. Với phần chất nạo vét tận thu, thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.
Nghị định quy định rõ: Không bán đấu giá với phần chất nạo vét tận thu.
Theo đó, Bộ GTVT hoặc UBND cấp tỉnh lập và công bố danh mục dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm theo thẩm quyền quản lý.
Với các dự án do Bộ GTVT công bố danh mục, trường hợp dự án nằm trên phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBND cấp tỉnh nơi có dự án là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
Với dự án nằm trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Bộ GTVT lấy ý kiến của UBND các tỉnh liên quan để quyết định một UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo tiêu chí: căn cứ năng lực và nguồn lực thực hiện dự án; có hiệu quả về kinh tế xã hội; địa phương có cầu cảng, bến cảng bảo đảm tiếp nhận được tàu có trọng tải theo công bố phù hợp chuẩn tắc, thông số kỹ thuật của tuyến luồng sau khi hoàn thành dự án.
UBND cấp tỉnh sẽ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án với các dự án do UBND cấp tỉnh công bố danh mục.
Không duyệt dự án có kinh phí thanh toán phần chênh lệch lớn hơn 50% tổng chi phí
Nghị định nêu rõ: Các chi phí lấy từ nguồn vốn của doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trường hợp không có doanh nghiệp đề xuất, sẽ sử dụng nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương cấp trong kế hoạch hằng năm của địa phương thực hiện dự án.
Riêng với chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ từ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương thực hiện dự án, nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư (nếu có).
Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án thì các chi phí sẽ từ nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả theo chi phí thực hiện dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các dự án được đưa vào danh mục theo những điều kiện cụ thể như: Sự cần thiết đầu tư; không trùng lặp với dự án nạo vét đã được quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án hoặc dự án bảo trì công trình hàng hải, đường thủy nội địa sử dụng vốn ngân sách nhà nước; có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác.
Trường hợp dự án không khả thi, hoặc không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ đưa ra khỏi danh mục dự án.
Nghị định cũng gắn trách nhiệm cho doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro khi dự án không được phê duyệt, hoặc dự án được phê duyệt mà không lựa chọn được nhà đầu tư.
Sau 60 ngày kể từ ngày công bố danh mục dự án mà không có doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xem xét, quyết định việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương.
Trong đó, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phải nêu được sự cần thiết đầu tư, lợi thế của việc đầu tư so với hình thức đầu tư khác; sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành, địa phương; mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án; khối lượng nạo vét; thành phần chất nạo vét theo số liệu khảo sát địa chất; mục đích và nhu cầu sử dụng chất nạo vét; khối lượng sản phẩm tận thu; tiến độ, thời gian thực hiện dự án; thuyết minh yêu cầu về phương án tổ chức quản lý, phương án kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, phương án xử lý với phần chất nạo vét không tận thu (nếu có); chi phí thực hiện dự án.
Ngoài ra, báo cáo cũng phải nêu được khả năng huy động vốn để thực hiện dự án, phân tích rủi ro, biện pháp quản lý rủi ro của dự án, cũng như hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Nghị định lưu ý cơ quan thẩm quyền không phê duyệt dự án có kinh phí thanh toán phần chênh lệch quy định lớn hơn 50% tổng chi phí thực hiện dự án.
Việc chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn chỉ áp dụng trong trường hợp dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án.
Hoặc vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, khi nhà đầu tư mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản, cũng như khi một trong các bên trong hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng;
Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ của dự án và lựa chọn tư vấn độc lập để giám sát môi trường, giám sát thi công xây dựng theo thiết kế, phương án thi công, hợp đồng dự án; phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn giám sát môi trường, giám sát thi công sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan ký kết hợp đồng.
Với luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia, trước khi triển khai thi công dự án, cơ quan ký kết hợp đồng cung cấp hồ sơ dự án cho Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN để phối hợp quản lý, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án.
Cùng đó, chịu trách nhiệm lựa chọn và phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn độc lập để khảo sát phục vụ nghiệm thu giai đoạn và hoàn thành dự án, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.
Sau đó, báo cáo cơ quan ký kết hợp đồng để khảo sát đo đạc, nghiệm thu kết quả thực hiện, bàn giao dự án cho cơ quan thẩm quyền quản lý. Sau khi tiếp nhận, Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo chức năng, thẩm quyền.
Theo Nghị định, trường hợp chi phí thực hiện dự án nhỏ hơn giá trị sản phẩm tận thu thì nhà đầu tư có trách nhiệm nộp phần chênh lệch vào ngân sách của địa phương thực hiện dự án. Phần chênh lệch này không thấp hơn giá trị trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp chi phí thực hiện dự án lớn hơn giá trị sản phẩm tận thu thì cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị phần chênh lệch và thanh toán cho nhà đầu tư. Kinh phí này được sử dụng từ nguồn vốn. Cụ thể, với dự án nạo vét duy tu kết hợp thu hồi sản phẩm sẽ sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán phần chênh lệch. Phần chênh lệch này không cao hơn giá trị trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký. Cơ quan, đơn vị được UBND cấp tỉnh giao thực hiện dự án trình tỉnh tổng hợp dự toán chi phí thực hiện dự án sẽ phải thanh toán cho nhà đầu tư trong chi ngân sách địa phương theo quy định. Với dự án nạo vét cơ bản kết hợp thu hồi sản phẩm sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán phần chênh lệch. Phần chênh lệch này không cao hơn giá trị trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết. Cơ quan, đơn vị được UBND cấp tỉnh giao thực hiện dự án trình tỉnh tổng hợp dự toán chi phí thực hiện dự án phải thanh toán cho nhà đầu tư trong chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công và thanh toán cho nhà đầu tư sau khi được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước. |
Nguồn: www.baogiaothong.vn